Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023

Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023

17/11/2023

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 17/11/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 17 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế và sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế. Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.

Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023. Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.

Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023

Nguồn: Vietnam Report

Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023

Nguồn: Vietnam Report

Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2023

Hình 1: Tỷ trọng số doanh nghiệp và tổng doanh thu của 3 lĩnh vực trong bảng xếp hạng VNR500

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021, 2022 và 2023, thực hiện bởi Vietnam Report

Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.

Hình 2: Tổng doanh thu và biến động doanh thu một số ngành chính trong bảng xếp hạng VNR500 2023

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 2022 và 2023, thực hiện bởi Vietnam Report

Kết quả còn cho thấy phần lớn các nhóm ngành chính trong bảng xếp hạng có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với bảng xếp hạng năm trước ngoại trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp Xây dựng, Thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút. Ngược lại, ngành Khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.

Hình 3: ROA, ROE, ROS của các doanh nghiệp VNR500 trong 3 năm qua

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021, 2022 và 2023, thực hiện bởi Vietnam Report

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng  0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực Tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.

Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.

Đối đầu với nhiều thách thức dai dẳng

Năm 2023, những thách thức dai dẳng và sự chậm lại của nền kinh tế đã tạo ra áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài (biến động trên chính trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, chính trị, quân sự) và khó khăn nội tại (nền kinh tế mở phụ thuộc vào bên ngoài, mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, các điểm nghẽn trên nhiều thị trường từ bất động sản cho đến trái phiếu…), GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Xét giai đoạn 2011-2023, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh). Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt so với kết quả khảo sát cách đây một năm. Ở chiều ngược lại, trong số các doanh nghiệp cho biết có sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đa số ở mức tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm chưa đầy 5%.

Hình 4: Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022-2023

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2022-2023

Điểm lại những khó khăn lớn trong thời gian qua, trên thang điểm 5, top 5 khó khăn theo đánh giá của các doanh nghiệp bao gồm: Kinh tế tăng trưởng chậm (4,22), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (4,17), Cầu tiêu dùng yếu (4,06), Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào (3,79) và Sức ép từ tỷ giá gia tăng (3,75).

Sau hơn hai năm bị xói mòn sức chống chịu bởi COVID-19, chưa kịp hồi sức, doanh nghiệp đã bước sang giai đoạn 2022-2023 với sự bất định trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, vượt qua khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, liền sau đó là thách thức không nhỏ từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, đà tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng đã đè nặng thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, đồng thời khuếch đại tác động từ các khó khăn khác như cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành hay nhu cầu tiêu dùng yếu, sức ép từ tỷ giá, môi trường lãi suất cao… Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cầu tiêu dùng yếu là khó khăn lớn trong năm ghi nhận mức tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm 2022 (từ 2,97 điểm lên 4,06 điểm trên thang điểm 5). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức tăng tiêu dùng cuối cùng 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 đạt 3,0%, trong khi mức tăng tương ứng của 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 là 7,3%. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy 26,2% số doanh nghiệp sụt giảm về số lượng đơn hàng trong ba quý đầu năm (+20,1% số doanh nghiệp so với kết quả khảo sát năm 2022).

Nhận định về thời gian tác động của các yếu tố, phần lớn doanh nghiệp cho rằng hơn một nửa những khó khăn được nêu tên sẽ giảm dần tác động và có thể cải thiện trong nửa đầu năm 2024. Các yếu tố ngoại lệ là bất ổn chính trị trên thế giới, cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm đơn hàng nhiều khả năng kéo dài tới cuối năm sau mới khả quan hơn, trong khi bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành được dự báo sẽ tiếp diễn theo hướng ngày càng khốc liệt.

Hình 5: Một số khó khăn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và dự báo thời gian tác động

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Triển vọng tương lai

Dưới tác động của những khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp có góc nhìn khá thận trọng về mức tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kịch bản tăng trưởng từ 4,5-5% là kịch bản có số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 34,2%.

Thực tế, mặc dù bối cảnh thế giới cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam chưa thể phục hồi ngay và vẫn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, song tín hiệu khả quan tháng sau tích cực hơn tháng trước đã nhen nhóm xuất hiện và quỹ đạo phục hồi đã dần hình thành. Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng 2023 đạt 4,24%, và có xu hướng tăng dần theo thời gian: quý III đạt 5,33%, cao nhất so với quý I và II (tương ứng đạt 3,32% và 4,14%). Dòng vốn FDI, giải ngân đầu tư công trong quý 3/2023 đã có những dấu hiệu tích cực so với quý liền kề. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước dù vẫn yếu song đã ở mức dương (ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước), đà suy giảm xuất nhập khẩu cũng đã có dấu hiệu chậm lại, mở thêm kỳ vọng phục hồi cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các tín hiệu tích cực dù chưa mạnh mẽ nhưng đã dần xuất hiện, thêm vào đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch, triển vọng trong năm 2024 được đa số các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn. Khảo sát của Vietnam Report ghi nhận 63,6% số doanh nghiệp bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm tới. Về phía bản thân doanh nghiệp, tỷ lệ lạc quan có thấp hơn một chút, với 51,1% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023. Ở chiều ngược lại, vẫn có lần lượt 34,1% và 28,9% số doanh nghiệp nhận định khó khăn sẽ còn bủa vây nền kinh tế và doanh nghiệp trong khi tình hình chưa thể có nhiều cải thiện trong vòng một năm tới.

Hình 6: Triển vọng năm 2024 từ góc nhìn doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Điểm tựa chính sách

Trong một năm mà khó khăn chi phối phần lớn thị trường, những động thái hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách tài khóa lẫn tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành ở nhiều lĩnh vực như y tế, thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…

Một số chính sách được nhiều doanh nghiệp đánh giá có những tác động lớn, tích cực kể đến như Nghị định 12/NĐ-CP về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023, chính sách giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm… Đặc biệt, động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế của NHNN, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và Thông tư 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của doanh nghiệp.

Trong một năm mà hai cấu phần của “cỗ xe tam mã” là tiêu dùng và xuất khẩu đều chậm lại thì đầu tư càng được kỳ vọng là lực kéo mạnh mẽ thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 479.3 nghìn tỷ đồng (+22,6% so với cùng kỳ), tương ứng đạt 65,8% so với kế hoạch năm 2023 (cùng kỳ năm 2022 đạt 65,1% kế hoạch). Chính phủ đang cho thấy nỗ lực trong việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua việc mức tăng trưởng cao từ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước. Điển hình như trong quý gần nhất, những tín hiệu tích cực từ các dự án đầu tư trọng điểm đã được ghi nhận như 8 tuyến cao tốc mới được thêm vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, khởi công sân bay Long Thành vào cuối tháng 8/2023 hay thực hiện đầu tư đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối với tổng vốn đầu tư 23,000 nghìn tỷ đồng.

Hình 7: Top 5 kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Nhận thức được vai trò to lớn của các chính sách hỗ trợ, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị bao gồm: (1) Gia hạn và giảm thuế, (2) Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, (3) Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, (4) Thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, (5) Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin.

Trong thời điểm thị trường bấp bênh, doanh nghiệp sẽ càng chú trọng vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn rằng trong năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội làm điểm tựa cho thị trường, tạo niềm tin cho người đầu tư, làm tiền đề phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường.

Với 71,1% số doanh nghiệp bình chọn là giải pháp hàng đầu muốn kiến nghị với Chính phủ, những chính sách ưu đãi thuế được doanh nghiệp kỳ vọng giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trung bình và nhỏ. Đây được xem như hình thức hỗ trợ trực tiếp hiệu quả. Doanh nghiệp giảm bớt được số tiền phải nộp ngân sách, từ đó bổ sung vào nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào nhân sự và công nghệ. Về phía doanh nghiệp, việc hiểu rõ và tận dụng các “liều thuốc" chính sách ưu đãi thuế là một cơ hội lớn để tối ưu hóa hiệu suất tài chính, phục hồi, phát triển kinh doanh và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi, việc tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “gõ cửa” các thị trường mới tiềm năng cũng không kém phần quan trọng. Đặc biệt, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin được nhận định là cơ sở quan trọng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, khai thông cho các thị trường bị nghẽn trong năm qua như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững.

Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới từ góc nhìn doanh nghiệp VNR500

Hình 8: Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong 12 tháng tới

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2022-2023

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới từ góc nhìn doanh nghiệp VNR500. Đáng chú ý, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông đã có năm thứ 2 liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới. Trên thực tế, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (gần 95,8 tỷ USD), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do mảng xuất khẩu phần mềm duy trì kết quả tích cực song xuất khẩu phần cứng điện tử suy giảm. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định và ngành này vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn. Động lực đến từ nhu cầu ngày càng cao từ cả thị trường nội địa lẫn các thị trường nước ngoài khi tình hình kinh tế toàn cầu được dự báo dần phục hồi trong năm tới, cũng như làn sóng chuyển đổi số và xu hướng phát triển mạng 4G, 5G ngày càng mạnh mẽ.

Ngành Điện - Năng lượng với sự bình chọn của 37,8% số doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ hai trong top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong 12 tháng tới (+10,1% so với kết quả khảo sát năm 2022). Trong 9 tháng năm 2023, thị trường phân phối xăng dầu trong nước đã trở lại hoạt động bình thường sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19. Thêm vào đó, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt trong năm nay đã xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện, giải ngân nhanh chóng các gói đầu tư công về năng lượng, dầu khí. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành Điện – Năng lượng thời gian tới. Trước mắt, có thể thấy chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn (đại dự án kết hợp các mỏ khí thượng nguồn, đường ống vận chuyển trung nguồn và các nhà máy điện hạ nguồn) sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới và kho cảng LNG Thị Vải thử nghiệm thành công sẽ đánh dấu mốc đột phá, tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành. Hơn nữa, xu hướng thắt chặt nguồn cung cùng căng thẳng leo thang giữa các quốc gia là một số yếu tố có thể khiến giá dầu duy trì mức cao trong thời gian tới và có những tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.

Cái tên còn lại trong top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn là Tài chính - Ngân hàng. Đối với lãi suất trên thị trường, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và hiện tại lãi suất huy động đã về tương đương giai đoạn 2021. Với thực tế “nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”, tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Mức thực hiện này mới đạt một nửa so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà NHNN đặt ra là 14%, trong khi hai phần ba thời gian của năm đã trôi qua. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tương đối chậm trong bối cảnh khó khăn chi phối hầu hết các ngành trong năm 2023, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận định rằng tình hình của ngành này vẫn có thể đi theo hướng tích cực trong năm tới theo đà phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp. Việc tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu trong 2023 sẽ giảm bớt áp lực chi phí tín dụng trong 2024 cũng như khả năng lợi nhuận từ thu hồi nợ tăng lên. Bên cạnh đó, NIM có dư địa phục hồi khi môi trường lãi suất thấp được dự báo duy trì sang năm 2024, qua đó giúp kết quả kinh doanh của ngành trong 12 tháng tới khởi sắc hơn.

Năm 2023 là một năm đầy thử thách để kiểm chứng sức bền của các doanh nghiệp. Hướng tới năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra là 6-6,5%, các doanh nghiệp đứng trước thời điểm để phục hồi và đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện. Những nỗ lực kiên trì và khả năng thích nghi là yếu tố then chốt doanh nghiệp đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, bền vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đồng thời sẽ là nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp trong năm 2024, khi tình hình kinh tế dự kiến nhiều khả năng đi theo hướng tích cực hơn và môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo đà vững chắc cho sự thành công lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;